Logo
Tin tức
03.11.2023

ĐẦU TƯ CHO ĐƯỜNG SẮT, CẢNG CẠN ĐỂ PHÁT HUY TIỀM NĂNG XUẤT NHẬP KHẨU

Đầu tư cho đường sắt để đẩy mạnh giao thương quốc tế

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội liên quan đến các vấn đề tài chính, ngân sách, đầu tư công vào ngày 2/11, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) bày tỏ đồng tình và nhất trí với đánh giá kết quả giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đại biểu cho rằng, những kết quả tích cực của kế hoạch đầu tư công trung hạn là động lực chính thúc đẩy, giữ nhịp cho tăng trưởng năm 2023 và mở ra không gian tăng trưởng mới.

Nhưng vị đại biểu này đề xuất, Chính phủ cần có giải pháp để đột phá, phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược cũng như quản lý, vận hành, khai thác các dự án này.

Đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho hay, Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư lớn cho giao thông đường sắt, dự kiến sẽ được thực hiện sau năm 2025. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện có một hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác, đó là 2 tuyến đường sắt khổ 1m43 là Yên Viên - Kép - Bắc Giang - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) - Kép - Cái Lân (Quảng Ninh), giao nhau tại ga Kép (Bắc Giang).

Theo đại biểu, đây là 2 tuyến có khổ 1m43 duy nhất của cả nước, được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc, cách đầu mối trung tâm vận tải của Trung Quốc là thành phố Trùng Khánh chưa đến 1.200 km. Đồng thời, ở phía Việt Nam, tuyến đường được kết nối trực tiếp ra biển là cảng nước sâu Cái Lân, có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn. Tuyến đường sắt này xuyên qua các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 120 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch cả nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) 9 tháng năm 2023 đã là 35 tỷ USD.

Hơn nữa, ngành đường sắt cũng đã bắt đầu khai thác tuyến tàu container từ ga Yên Viên hoặc Sóng Thần qua Đồng Đăng đi châu Âu qua Trung Quốc, cho thấy tiềm năng to lớn của vận tải đường sắt cho thương mại quốc tế. Do đó, theo đại biểu, 2 tuyến đường này có tiềm năng rất lớn về vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời còn có tiềm năng lớn về vận tải hành khách nếu làm tốt thủ tục xuất nhập cảnh.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của 2 tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này.

Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu

Cũng liên quan đến đầu tư cho hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cảng cạn là một mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương, góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian lưu hàng tại cảng, tăng hiệu quả hoạt động của dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải biển, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển ở cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn…

Đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, với những khu vực có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hóa vận chuyển bằng container lớn thì việc quy hoạch, hình thành và phát triển cảng cạn trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Ví dụ, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, xuất khẩu hoa đã lên tới hàng trăm triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Vì thế, cảng cạn đóng vai trò tập kết hàng hóa vô cùng quan trọng, có kho lạnh chuyển xuống cảng ở Đông Nam Bộ như Thị Vải, Cái Mép mất 10 tiếng. Trong khi nếu vận chuyển vào mùa cao điểm thì có thể bị “kẹt” mất 3 ngày.

Do đó, theo đại biểu đoàn Đà Lạt, loại hình này cũng cần khuyến khích được đầu tư công và nguồn lực đầu tư PPP. Chẳng hạn như chuỗi cảng cạn hình thành và phát triển ở các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh Trung du Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Tây Nam Bộ.

Hơn nữa, đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị tăng cường và triển khai áp dụng mô hình đầu tư công và hợp tác công tư để đầu tư phát triển cảng cạn, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với cảng cạn và hoàn chỉnh môi trường pháp lý ban hành cơ chế, chính sách cho phát triển cảng cạn trong tương lai.

Cùng với hạ tầng giao thông, các đại biểu Quốc hội còn kiến nghị đẩy nhanh giải ngân đầu tư công các công trình trọng điểm, trong đó có các dự án liên quan đến giao thương quốc tế.

Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối các trung tâm kinh tế cửa khẩu quốc tế và cảng biển, nên được kỳ vọng là 1 trong 6 tuyến cao tốc góp phần rất lớn làm thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm nên cần bố trí vốn để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị về đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, bởi nguồn lực cho loại hình này còn hạn chế, nên rất cần có chính sách đặc thù về phân cấp quản lý, phân bổ nguồn NSNN cho khu vực biên giới, để không chỉ phát triển kinh tế cửa khẩu phục vụ xuất nhập khẩu của cả nước mà còn mang trọng trách giữ vững an ninh chủ quyền biên giới quốc gia.

Nguồn: Logistics Việt Nam

Tin tức

Gián đoạn Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển Á-Âu tăng 400%
Thủ Tục Xuất Khẩu Mây Tre Đan
Thủ Tục Nhập Khẩu Bánh Kẹo
Bơ, chanh leo sắp được ký Nghị định thư với thị trường Trung Quốc
Đề xuất sửa Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định AKFTA
FacebookYoutubeTwitter Skype chat Zalo chat