Quay lại

TẠO BƯỚC NGOẶT CHO DỊCH VỤ HẬU CẦN CẢNG KHU VỰC CÁI MÉP - THỊ VẢI

Với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu không ngừng tăng lên nhanh chóng, việc cảng cạn Phú Mỹ đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện và tạo bước ngoặt cho dịch vụ hậu cần cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Đón đầu nhu cầu xuất nhập khẩu tăng nhanh

Cuối tuần qua, cảng cạn Phú Mỹ chính thức đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Phú Mỹ 3. Đây là cảng cạn đầu tiên tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 tại phía Nam.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát về hải quan - Tổng cục Hải quan cho biết, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu có mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn từ 10-15%/năm. Năm 2022 tổng kim ngạch XNK qua địa bàn đạt 24,38 tỷ USD và 10 tháng năm 2023 đạt 18,68 tỷ USD. Với sự phát triển hệ thống cảng biển cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt của quốc gia và dịch vụ hậu cần sau cảng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành một trong những tỉnh thành dẫn đầu về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp thu ngân sách lớn nhất quốc gia.

Trong thời gian tới, theo ước tính của ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, khi KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đi vào hoạt động vào năm 2026, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển nội địa hàng năm của các nhà máy trong KCN sẽ lên đến hơn 1 triệu TEU hàng container và 2,6 triệu tấn hàng tổng hợp. Đặc biệt, hiện nay trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ đã có lượng hàng đạt gần 500 nghìn TEU/năm khi các nhà máy đi vào hoạt động hết công suất, cụ thể là nhà máy giấy KOA, nhà máy sản xuất nội thất NITORI và trung tâm phân phối hàng hóa của nhà đầu tư Ashton Furniture Consolidation của Tập đoàn Ashley – Hoa Kỳ.

Theo đó, Cảng cạn Phú Mỹ nằm trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, trung tâm hệ sinh thái cảng biển – công nghiệp toàn diện, có khả năng kết nối đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong tương lai tới các cảng biển, ICD, depot trong khu vực cũng như các vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cả nước về KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Theo ông Bảo, cảng cạn Phú Mỹ sẽ là trung tâm hậu cần sau cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, cung cấp dịch vụ xếp dỡ, tập kết và phân phối hàng hóa; cung cấp container rỗng, đóng hàng, lưu kho và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Cảng cạn Phú Mỹ tạo điều kiện giúp cảng biển giải phóng hàng nhanh chóng, giảm áp lực cho cầu bến và bãi, tăng khả năng thông quan hàng hóa khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới. Qua đó hỗ trợ hoạt động khai thác làm hàng tổng hợp và hàng container đang có nhu cầu thiết yếu tại khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung, giúp các DN tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí logistics và tối ưu hóa sản xuất; góp phần gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa “made in Vietnam” trên thị trường quốc tế.

Tạo bước ngoặt về dịch vụ hậu cần cảng

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được đánh giá là một trong những dự án KCN kiểu mẫu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tiêu chí đầu tư, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, phát triển bền vững; được các nhà đầu tư, các hiệp hội và tổ chức quốc tế tin tưởng, đánh giá rất cao. Với lợi thế gần cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 hiện đã có nhiều nhà đầu tư với lượng hàng hóa rất lớn. Do đó, việc hình thành cảng cạn Phú Mỹ với tổng diện tích khoảng 40ha, năng lực hàng hóa thông qua 300.000 – 400.000 TEU là hết sức cần thiết.

“Đây sẽ là ‘cánh tay nối dài’ của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và là tiền đề quan trọng để tạo bước ngoặt cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong tương lai” – ông Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.

Ông Âu Anh Tuấn cũng đánh giá, cảng cạn Phú Mỹ đi vào hoạt động sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống cảng cạn của Việt Nam. Với vị trí thuận lợi do nằm trong và gắn liền với KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, rất gần với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong khu vực và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, cảng cạn Phú Mỹ sẽ góp phần giảm tải, hạn chế các ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực TPHCM, góp phần hỗ trợ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu của các DN.

Ông Âu Anh Tuấn khẳng định, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan luôn ủng hộ và cam kết tạo thuận lợi tối đa trong thẩm quyền và chức năng của mình để hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng cạn được thuận lợi, thông thoáng, đạt hiệu quả cao. Đồng thời kỳ vọng Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ có thể góp phần hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục pháp lý, tuyển dụng, dịch vụ logistics, dịch vụ hải quan tại chỗ... Từ đó, tạo niềm tin với các nhà đầu tư và được các tập đoàn, hiệp hội và tổ chức quốc tế đánh giá cao, đồng thời cũng là cánh tay nối dài cho các cơ quan quản lý tại trung ương, địa phương, đặc biệt là cơ quan Hải quan quản lý trực tiếp trên địa bàn là Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cảng cạn Phú Mỹ có tổng diện tích 37,8ha, chia làm 2 phân kỳ, trong đó phân kỳ 1 là 15ha đã được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở cảng cạn tại Quyết định số 976/QĐ-BGTVT ngày 9/8/2023; Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan công nhận địa điểm thông quan hàng hóa tại quyết định số 2281/QĐ-BTC ngày 19/10/2023; và được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 với tổng diện tích đến 40ha, năng lực hàng hóa thông qua 300.000 – 400.000 TEU.

Nguồn: Logistics Việt Nam

Chia sẻ
Tin tức nổi bật

Nhận báo giá vận chuyển ngay hôm nay!

Mẫu báo giá
quotation image
Copyright © 2025 Real Logistics Co., Ltd. All Rights Reserved
Điều khoản & Chính sách
icon zalo
icon phone