Doanh nghiệp Logistics trở mình giữa đại dịch
Đa dạng hóa dịch vụ
Do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng. Các dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt bị tác động nặng nề nhất. Vận tải biển ít bị ảnh hưởng hơn với cước phí vẫn giữ vững mặc dù yêu cầu chuyên chở có giảm sút và khó khăn về thủ tục do đại dịch. Các đặc điểm này của chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics thế giới đã thể hiện đầy đủ trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Đối với Việt Nam, từ khi nổ ra đại dịch, cuộc khủng khoảng này tác động mạnh mẽ lên ngành vận tải, logistics và tìm nguồn cung ứng chiến lược trọng yếu. Các ngành sản xuất như dệt may dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc – nơi xảy ra đại dịch bị tác động nhất, đã ngưng trệ sản xuất do đại dịch. Chiến dịch giải cứu hàng hóa bị ách tắc ở biên giới với Trung Quốc giai đoạn đầu của đại dịch và đặc biệt là thời gian cách ly xã hội trong tháng 4/2020 đã làm cho hoạt động sản xuất, logistics, vận tải bị gián đoạn, tắc nghẽn. Từ tháng 5, kinh tế bắt đầu phục hồi nhưng đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu và logistics.
Anh Trần Tuấn Đức – Giám đốc CN Công ty TNHH Tiếp Vận Thực tại Hà Nội cho biết: khó khăn lớn nhất đó là phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục. Chưa kể, cước vận tải biển tăng phi mã và sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới cũng khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.
Chưa kể, đại dịch cũng khiến vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch rất khó khăn. Thời gian qua, các địa phương, đặc biệt là các địa phương phía Nam đã áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm quyết liệt như hạn chế di chuyển, hạn chế lưu thông giữa các vùng, yêu cầu cách ly bắt buộc.
"Đáng nói là mỗi địa phương lại đặt ra những quy định riêng, sự thiếu nhất quán và liên tục thay đổi trong các giấy phép vận tải hàng hóa… dẫn đến hậu quả là chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đi kèm với đó là tình trạng thiếu hụt lao động, lái xe, thiếu công nhân tại hiện trường…", anh Đức chia sẻ.
Để thích ứng với hoàn cảnh và chủ động trước những khó khăn, Công ty của anh Đức đã mở rộng, đa dạng hóa các dịch vụ. Theo đó, như trước đây, đơn vị tập trung vào dịch vụ khai thuế hải quan, vận chuyển quốc tế, vận chuyển nội địa. Nhưng hiện nay, công ty mở rộng dịch vụ xuất nhập khẩu như việc bổ sung dịch vụ chứng từ xuất nhập khẩu, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu… Qua đó cũng mở rộng được đối tượng khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lấy người lao động làm trung tâm
Được thành lập từ năm 2009, cho đến nay Real Logistics đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ hậu cần, các giải pháp tối ưu trong hoạt động xuất nhập khẩu cho hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam.
Để có được thành quả, và vị thế trên thị trường như ngày nay, theo anh Trần Tuấn Đức chính là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ CBCNV Công ty.
"Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động chính là thước đo giá trị của doanh nghiệp. Chính vì thế, công ty luôn coi trọng xây dựng và phát triển con người làm trung tâm trong mọi hoạt động", anh Đức cho biết.
Đợt dịch bùng phát vừa qua thực sự ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, không chỉ riêng công ty anh Đức mà nhiều đơn vị trong Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng lao đao chưa tìm được lối ra, thậm chí là phá sản. Nhưng để vượt qua được những thách thức đặt ra, Real Logistics đã chủ động linh hoạt trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động.
Khi Công ty thực hiện Chỉ thị 16 của Thành phố, nhiều nhân viên phải làm việc 3 tại chỗ đã được công ty bố trí ăn ở, tạo mọi điều kiện, Ban giám đốc thường xuyên động viên, quan tâm sâu sát tới đời sống của người lao động để họ yên tâm gắn bó, làm việc lâu dài với Công ty.
Thời gian tới, công ty của anh Đức tiếp tục thực hiện đa dạng hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chủ động tìm giải pháp tối ưu, đa dạng dịch vụ khách hàng để đáp ứng được nhu cầu đặt ra trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, anh Đức đề xuất các đơn vị chức năng sẽ có nhiều đề xuất, tham mưu những quyết sách có tầm nhìn mang tính định hướng lâu dài, sâu sát để giúp doanh nghiệp tìm được hướng đi, "trở mình"giữa đại dịch.
Về vấn đề giảm chi phí logistics, doanh nghiệp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu. Ví dụ yêu cầu khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài, hạn chế việc tăng cước vận chuyển phi mã và thiếu kiểm soát như hiện nay. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển. Đây là vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta đang yêu cầu được giải quyết.
Chính phủ cần có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như châu Mỹ, châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, như đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Có thể nói, COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Việc chủ động lập kế hoạch xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng, điển hình như Công ty Real Logistics sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường được khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những chấn thương bất ngờ, biến thách thức thành cơ hội và hành động!
Theo Trương Hưng_Doanh nghiệp & tiếp thị