DƯ ĐỊA XUẤT KHẨU SẢN PHẨM HALAL CỦA VIỆT NAM VÀO THỊ TRƯỜNG CÁC NƯỚC HỒI GIÁO
Các nước Hồi giáo là thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Halal (các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) đang tăng rất nhanh, trong khi nguồn cung bị thiếu hụt. Tuy nhiên, hiện số lượng các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hồi giáo còn quá ít.
Hiện tại quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu là 7.000 tỷ USD, dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước 2028. Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), trong năm 2022, người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống dựa trên các nhu cầu tiêu dùng có đạo đức lấy cảm hứng từ đức tin Hồi giáo. Khoản chi tiêu này dự kiến sẽ đạt 2.800 tỷ USD trong năm 2025. Riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á có quy mô 230 tỷ USD.
Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam cho rằng, tiềm năng kinh tế Halal toàn cầu rất lớn. Việt Nam có tiềm năng sản xuất hàng hóa Halal trị giá tới 34 tỷ USD cho các quốc gia OIC. Song hiện tại, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các thành viên OIC.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia 10,18 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2023. Malaysia cũng "khát" nguồn cung các sản phẩm Halal, vẫn còn khoảng 80% trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, Singapore cũng có nhu cầu cao về hàng hóa Halal, dù người đạo Hồi chỉ chiếm 14% dân số. Thị trường Halal tại Singapore dự kiến tăng trưởng 8%-10% trong vài năm tới.
Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt thường chỉ tập trung vào hai thị trường gần là Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, ít doanh nghiệp biết rằng Ấn Độ là một thị trường Halal tiềm năng lớn thứ hai thế giới về quy mô dân số với hơn 170 triệu người theo đạo Hồi trong tổng số dân hơn 1,4 tỷ dân.
Mặc dù nhu cầu thị trường lớn nhưng để xuất khẩu sản phẩm Halal thì các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là quy trình khắt khe của việc xin chứng nhận Halal. Chứng nhận Halal thậm chí còn phức tạp hơn các chứng nhận khác do quy trình kiểm tra không thống nhất. Không có tổ chức quốc tế thống nhất nào cấp chứng chỉ Halal. Thay vào đó, mỗi quốc gia có các cơ quan riêng của mình. Do đó, sản phẩm phải phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định của quốc gia sản xuất và cả quốc gia nhận hàng. Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận Halal mà chỉ có vài tổ chức tư nhân, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và phát sinh chi phí lớn, làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Do những khó khăn và quy định ngặt nghèo của tiêu chuẩn Halal đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông sản, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành như nước giải khát…Đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal.
Để không bị lỡ nhịp trong tiếp cận thị trường Halal, nhà nước cần hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Ngoài ra, thời gian tới cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương cũng như ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...
Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” do Bộ Ngoại giao chủ trì. Đây là đề án đầu tiên đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu. Đề án tạo hướng đi mới trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2028 và tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của nước ta, nhất là khi các thị trường truyền thống đang gặp không ít khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế.
Nguồn: Logistics Việt Nam