Quay lại

XUẤT NHẬP KHẨU - ĐIỂM SÁNG TRONG BỨC TRANH KINH TẾ NĂM 2021

Với dấu hiệu phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 như hiện nay, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2021 sẽ vượt mốc 600 tỷ USD.

Tăng trưởng bất chấp dịch bệnh

Theo ông Trần Thanh Hải, trong bối cảnh dịch COVID-19 nhiều phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) vẫn là điểm sáng của nền kinh tế, với sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Sau 2 năm đạt mốc kỷ lục 500 tỷ USD, năm 2021, kim ngạch XNK dự báo sẽ tiếp tục vượt mốc 600 tỷ USD.

Thống kê 10 tháng của năm 2021, kim ngạch XNK của cả nước đạt tăng trưởng 2 con số. Tại thời điểm này, có thể dự báo cả năm 2021, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Đây là thành tựu rất lớn bởi năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc.

Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp (DN) trong các ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện…cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25% trong năm nay.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, vượt qua những khó khăn của dịch COVID-19, các DN vẫn duy trì và phục hồi sản xuất sau dịch rất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến.

Đóng góp cho sự tăng trưởng xuất nhập khẩu bền vững là khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, 10 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của DN FDI vẫn đạt 374,03 tỷ USD, tăng 25,4%, tương ứng tăng 75,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. DN FDI đang có đóng góp lớn trong nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép; dệt may…

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Ông Trần Thanh Hải cho hay, còn khoảng hơn một tháng nữa để hoàn thành mục tiêu cả năm, song dịch COVID-19 vẫn diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của DN...Khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay, trước tiên là vấn đề lao động. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất, do tình trạng thiếu lao động. Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường nguyên liệu của thế giới và dịch vụ logistics đều đang gia tăng chi phí. Những yếu tố này sẽ đẩy áp lực về chi phí cho DN.

Tuy nhiên, DN cũng có cơ hội để phụ hồi sản xuất khi Nghị quyết 128/NQ-CP được thực hiện hiệu quả, khi các biện pháp chống dịch của địa phương có thể vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa không gây tác động quá lớn hoạt động sản xuất của DN.

Về khả năng gia tăng XNK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ông Trần Thanh Hải cho hay, DN Việt Nam đã và đang tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Tác động từ hai hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, đặc biệt với thị trường mà chúng ta chưa từng ký FTA.

Nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm. Với thị trường EU, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ ưu đãi thuế thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiền năng rộng lớn này. Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam nhiều khả năng vượt mốc 600 tỷ USD.

Nguồn: Viet Nam Logistics Review

Chia sẻ
Tin tức nổi bật

Nhận báo giá vận chuyển ngay hôm nay!

Mẫu báo giá
quotation image
Copyright © 2024 Real Logistics Co., Ltd. All Rights Reserved
Điều khoản & Chính sách
icon zalo
icon phone